Chuyện ghi ở Hòa Xuân

Ngày đăng: 08:10 PM, 11-08-2017 1,839 lượt xem

Bài cuối: vì sự phát triển của thành phố, vì sự "an cư lạc nghiệp" của người dân

Ngày 5-8 vừa qua, một lần nữa, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh trực tiếp xuống Hòa Xuân gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân chưa đồng ý chủ trương hoán đổi, di dời bàn giao mặt bằng. Mục đích cuộc gặp gỡ, đối thoại là tìm ra tiếng nói chung, tháo gỡ những vướng mắc của người dân và căn cơ hơn là để cuộc sống của họ thoát khỏi khó khăn, khổ sở sau nhiều năm liền “đi ngược lợi ích chung”...

 

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói rằng, không phải bây giờ lãnh đạo thành phố mới tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân Cồn Dầu. Thực tế, ngay từ những ngày đầu triển khai dự án đến nay, các ngành, các cấp thành phố và bản thân ông cũng đã gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với bà con rất nhiều lần. Và toàn bộ kiến nghị, khúc mắc của bà con liên quan đến việc thu hồi đất, bố trí tái định cư, về cưỡng chế thu hồi đất... đã được giải quyết hoàn toàn theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật. Ông viện dẫn rất nhiều văn bản, từ cấp quận huyện, thành phố và các bộ ngành đã trả lời; cuối cùng là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2618 ngày 16-4-2015 với nội dung “Đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tại Văn bản số 5141 ngày 20-11-2014 về kết quả kiểm tra việc khiếu nại của các hộ dân khu vực Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng”. Nguyên văn kiến nghị của Bộ TN-MT là: “Thống nhất với nội dung giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng đối với khiếu nại của các hộ liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân”; đồng thời giao UBND thành phố thực hiện một số nội dung công việc cụ thể để giải quyết dứt điểm, chấm dứt việc khiếu nại...

Thế nhưng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, thể theo nguyện vọng của bà con, đích thân ông tiếp tục đối thoại với bà con lần nữa. “Việc này tốt thôi. Chính quyền luôn muốn lắng nghe, xem bà con có ý kiến gì mới, có gì phát sinh mà chưa nắm, chưa biết và chưa được giải quyết thấu đáo thì tiếp tục. Còn những gì mà cấp cao nhất đã trả lời rồi, mình cũng rà soát nhiều lần rồi, thấy rằng không thể làm khác được nữa thì có lẽ chúng ta không nên đề cập”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nêu vấn đề. Mặc dù đã nói rõ quan điểm như trên, nhưng không hiểu sao đa số ý kiến, kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại vẫn chỉ xoay quanh việc yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ, khiếu nại về thu hồi đất, giao đất và cưỡng chế mà Thủ tướng chính  phủ đã có ý kiến cuối cùng như đã nói ở trên. Trước những đòi hỏi này, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, chính sách đền bù giải tỏa của thành phố là áp dụng chung cho tất cả các trường hợp, trên cơ sở quy định của pháp luật. Ông minh chứng bằng thực tế là toàn thành phố có hơn 100 ngàn hộ dân di dời giải tỏa, có những quận “giải tỏa trắng” như Ngũ Hành Sơn. Rồi Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà và Cẩm Lệ cũng là những địa phương thực hiện di dời, giải tỏa rất lớn. “Ngay cả P. Hòa Xuân cũng vậy. Mấy ngàn hộ dân giải tỏa, di dời, tất cả đều chung một chính sách đền bù giải tỏa như nhau. Và hầu hết người dân đều đồng thuận, ủng hộ”, ông Thơ nói. Đồng thời khẳng định, chính nhờ sự đồng thuận ấy mà thành phố mới có sự thay đổi nhanh chóng, ngoạn mục như ngày hôm nay. Ông nói thêm rằng, đúng là khi bà con rời bỏ mảnh đất, khu vườn bao đời để đến một nơi ở mới, ban đầu ai chẳng thấy vấn vương, luyến tiếc. Thế nhưng, nếu ai cũng khư khư giữ y mảnh vườn, thửa ruộng ấy thì mãi mãi thành phố Đà Nẵng cũng chỉ là thành phố nông nghiệp mà thôi.

Nói chuyện rời bỏ ruộng vườn, ông Thơ liên tưởng đến chuyện đời sống căn cơ của người dân, đến sự phát triển, đi lên của thành phố. Bảo rằng, đúng là có mảnh vườn mảnh ruộng canh tác thì có vẻ ổn định đấy, có hạt lúa hạt gạo đấy nhưng rất khổ. “Bây giờ nhà nào chỉ chăm chăm vào làm ruộng thì hỏi thử có ai khá nổi đâu, rồi con cái cũng phải làm thợ, làm thêm cái này cái nọ mới đủ sống, đó là chưa nói đến chuyện ngập lụt, thiên tai đủ thứ. Rồi đất đai đâu để làm đường làm sá, làm trường học, làm sân vận động, làm siêu thị, làm công viên... Mình phải sửa sang, chỉnh trang lại, phải thay đổi. Thành phố thay đổi rất nhiều, ai tới họ cũng khen hết, vì đâu mới có. Vì đó là nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ trải lòng.

Ông tiếp tục đặt vấn đề, chính sách di dời, giải tỏa có tới 99% người dân đồng thuận, ủng hộ, vậy sao chỉ còn một số hộ ở Cồn Dầu nhất quyết phản đối. “Chính quyền đã hết sức thiện chí, luôn muốn làm điều tốt nhất cho bà con. Chúng tôi cũng nghĩ hết cách rồi, làm những gì có thể được rồi. Bà con có thể chỉ cho lãnh đạo thành phố xem có cách gì làm tốt hơn mà không trái với quy định được không?”, ông Huỳnh Đức Thơ đặt câu hỏi.

“Bà con đừng bắt chính quyền phải làm như thế này như thế khác sai với quy định. Làm thế không được”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn nói. Bởi theo ông, nếu làm được cho bà con, rồi cả triệu dân thành phố cũng đòi làm y như thế thì sẽ dẫn đến hậu quả là “cả thành phố này rối cả lên”. Ông mong muốn bà con phải hòa mình trong dòng chảy chung ấy. Còn không thì cứ dùng dằng mãi, như vậy bà con sẽ khổ. “Bà con khổ thì lãnh đạo thành phố cũng khổ. Sướng ích gì hàng ngày thấy bà con như thế”, ông Thơ trải lòng. Về chính sách đền bù giải tỏa, riêng với các hộ dân còn lại của dự án, Chủ tịch UBND thành phố tâm sự rằng “có cách gì tốt nhất thì chính quyền cũng đã nghĩ rồi, làm rồi. Thực tình mà nói, bà con được ưu đãi hơn nhiều những người đi trước”. Cụ thể là từ thêm lô phụ, nâng cấp đường từ đường nhỏ lên đường lớn, từ hỗ trợ này, hỗ trợ nọ... “Đến nguyện vọng của bà con muốn được ở gần nhà thờ, chúng tôi cũng tìm cách làm việc với nhà đầu tư để hoán đổi đất. Khả năng của thành phố đến đó là hết”, ông Thơ nói. Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, nguyện vọng của lãnh đạo thành phố nói chung, cá nhân ông nói riêng là mong muốn bà con nhanh chóng có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn. “Chúng ta còn vì tương lai con cái nữa. Cứ giằng co như thế này thì còn khổ, khổ nhiều thứ lắm. Khổ cho bà con, khổ cho chúng tôi, khổ cho con trẻ”, ông thật lòng.

Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc câu chuyện tại Hòa Xuân nói chung, Cồn Dầu nói riêng đi đến hồi kết. Việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài không những không làm cho đời sống của bà con tốt lên mà còn rơi vào vòng luẩn quẩn, tụt hậu; thậm chí đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng bà con vào vì mục đích khác nguy hiểm hơn. Vì lợi ích chung, vì sự phát triển của thành phố, và trực tiếp hơn là vì “an cư, lạc nghiệp”, vì chính cuộc sống của các hộ dân còn lại của dự án, mong rằng họ sẽ thấy và biết được mình cần và nên làm gì cho đúng.

Và để kết lại bài viết này, chúng tôi muốn mượn lời của cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh tại kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII (nhiệm kỳ 2004-2011) rằng: “Không ai có thể ngăn được sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, đó là sự phát triển dữ dội, mạnh mẽ, và chính sự phát triển ấy sẽ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân chứ không phải ai khác”.

                                                                                                                                           Ký sự: Doãn Nguyên Hưng